Ta làm gì khi ta không thể làm gì?

Lê Hồng Lâm là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh báo chí có tiếng tại Việt Nam. Là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh 'Xem chữ đọc hình', 'Chơi cùng cấu trúc', 'Cánh chim trong gió', 'Sự lưỡng nan của tình thế làm người', '101 bộ phim Việt Nam hay nhất' và gần nhất là 'Người tình không chân dung', anh đã và đang tiếp tục đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Lê Hồng Lâm bảo tôi rằng, chỉ cần ghi anh với chức danh giản dị là : Nhà báo. Nghề báo, đó là cái duyên đầu để niềm đam mê điện ảnh đưa Lê Hồng Lâm tiến xa trên con đường anh riêng chọn. Cho loạt bài Nghệ sĩ TP.HCM làm gì trong kỳ giãn cách mà Báo Sức khỏe & Đời sống đã thực hiện từ ngày 31/5/2021 đến nay, Lê Hồng Lâm đã chia sẻ :

Tôi ở nhà gần như 24/24. Viết lách, dạy học online, đọc sách, xem phim, nấu ăn, tập thể dục và ngủ. Và quan trọng nhất, luôn giữ cho mình một trạng thái điềm tĩnh nhất có thể.

Do đã quen với phong cách sống của một người làm tự do và chủ yếu làm việc ở nhà, giãn cách xã hội không quá ảnh hưởng nhiều đến tôi về mặt tinh thần, nhưng vật chất thì chắc chắn có. Công việc bị đình trệ, các hợp đồng dự án bị trì hoãn hoặc bị hủy.

Tuy nhiên, đại dịch cũng dạy cho tất cả chúng ta một bài học lớn rằng, chỉ cần có một mái nhà để ở, có đủ lương thực để ăn, bản thân và người thân khỏe mạnh, đã là một may mắn lớn.

Như trong bài “Nô lệ của sở hữu” rút trong cuốn “Lời của Nietzsche cho người trẻ” của Shiratori Haruhiko, một tác giả nổi tiếng người Nhật Bản chuyên về triết học, tôn giáo và văn chương, tôi đồng cảm với đoạn này, không chỉ trong thời điểm hiện nay:

“Cuộc đời con người cần có tiền, có nơi ở dễ chịu, cần nhiều đồ ăn để đảm bảo sức khỏe. Nhờ có được những thứ đó, con người có thể sống độc lập, tự do. Tuy nhiên, nếu vượt qua mức độ sở hữu đó, con người sẽ hoàn toàn thay đổi, có khả năng trở thành nô lệ của ham muốn sở hữu. Để sở hữu, con người tiêu tốn thời gian, bó buộc bản thân trong những mối quan hệ xã giao đến nỗi không còn thời gian nghỉ ngơi, bị tổ chức điều khiển và cuối cùng là bị quốc gia trói buộc.

Cuộc đời con người là khoảng thời gian được trao cho không phải là để không ngừng cạnh tranh sở hữu nhiều thứ.”

Nhà báo Lê Hồng Lâm

Cuộc chiến giữa con người và loài virus chết người này chỉ kết thúc khi thế giới sản xuất và phân phối vắc xin cho hàng tỷ người trong thời gian ngắn kỷ lục.

Thời gian ngắn kỷ lục là bao lâu, chúng ta không thể biết được.

Ở Việt Nam, với dân số 97 triệu người, để đạt được miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần khoảng 60 triệu người được tiêm vắc xin, tức chúng ta cần khoảng 120 triệu liều vắc xin nếu mỗi người cần tiêm hai liều để miễn dịch.

Số người và số vắc xin được tiêm cho đến bây giờ là bao nhiêu, chắc chắn là chúng ta đều đã biết. Ngay cả khi có đủ nguồn tiền cho quỹ vắc xin, chắc chắn sẽ còn một chặng đường dài phía trước khi vắc xin phân phối đến Việt Nam đủ theo nhu cầu. Và cuộc khủng hoảng dịch bệnh này, chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, bắt buộc chúng ta phải thích ứng và có một tâm thế sống chung lâu dài với dịch bệnh.

Góc yêu thích của Lê Hồng Lâm

Không nhìn đâu xa, hãy nhìn sang Malaysia để thấy. Quốc gia có khoảng 25 triệu dân này có thu nhập đầu người cao hơn chúng ta nhiều lần, đang đứng bên bờ vực của đại dịch khi mỗi ngày có gần 10.000 người dương tính với virus. Chắc chắn họ không thiếu tiền cho vắc xin. Nhưng trong cuộc chạy đua vắc xin mà “chủ nghĩa quốc gia” lên ngôi này, chưa chắc có tiền là đã có vắc xin.

Việt Nam, vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát đại dịch COVID tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh thứ 4 này đang thực sự đe dọa chúng ta với số ca dịch bệnh trong cộng đồng lan nhanh. Và tôi chưa biết, ngay cả khi dập được làn sóng thứ 4 này, sẽ còn bao nhiêu “làn sóng” tiếp theo đổ xuống chúng ta, trước khi Việt Nam có đủ vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy mà trong khi chờ đợi vắc xin, hãy học cách để đối mặt với nó với sự an toàn và điềm tĩnh nhất có thể.

Trong tập “How to cope” của loạt phim “Coronavirus Explained”, các chuyên gia về sức khỏe nói rằng dịch bệnh đã khiến hàng trăm triệu người trên thế giới rơi vào trạng thái lo sợ, căng thẳng và trầm cảm. Và những trạng thái tiêu cực về tinh thần này sẽ còn tiếp diễn rất lâu ngay cả khi đại dịch đã kết thúc – họ cảnh báo.

Nỗi sợ, lúc dịch bệnh có một lợi thế quan trọng là giúp chúng ta tồn tại và tuân thủ các quy tắc cách ly cộng đồng. Nhưng về lâu dài, nó gây ra những hệ lụy ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và não bộ, gây ra những tác động lâu dài đến tinh thần và thể chất.

Trong một bài viết gần đây, tôi có dẫn lại thông tin từ một bài báo trên CNN về “nạn dịch tự tử” tại Nhật trong thời đại dịch bệnh COVID. Theo đó, số lượng người chết vì COVID trong một năm kể từ khi bùng phát, chưa bằng số lượng người tự tử tại Nhật trong một tháng. Tất nhiên, Nhật Bản vốn đã là một quốc gia có tỷ lệ tự tử cao. Nhưng những tác động tiêu cực của đại dịch COVID càng khiến cho số lượng người tự tử tăng lên đột biến, vì căng thẳng, trầm cảm và sợ hãi.

Vì vậy mà một số chuyên gia tâm lý cho rằng, chúng ta nên kiểm soát cảm xúc để khôi phục lại sự cân bằng cho não bộ. Cân bằng cảm xúc, tập thiền, hít thở sâu và hạn chế đọc những tin tức gây lo sợ, hoang mang và căng thẳng thần kinh là những cách tốt nhất giúp chúng ta tránh được sự lo lắng hay căng thẳng.

Như câu nói của một bác sỹ tâm lý: “Một khi thế giới ngày càng trở nên khó đoán, ta phải tạo ra được một thế giới có thể đoán được cho bản thân. Ngay cả những điều nhỏ bé cũng có lợi cho bản thân, như duy trì lịch biểu, điều đấy cho ta ý thức về mục đích và giúp chúng ta không thấy mọi thứ quá mông lung.”

Những người dân thường được phỏng vấn trong tập phim này, mỗi người đều có một cách để đối mặt với dịch bệnh. Tăng cường các hoạt động thể chất và tinh thần, ngay tại nhà, cũng là một cách hiệu quả giúp cho chúng ta đạt được các trạng thái cân bằng cần thiết.

Ngay lúc này đây, nếu được yên ổn ở nhà và có đủ lương thực để ăn và tinh thần ổn định, chúng ta đã may mắn hơn hàng ngàn hàng vạn người ngoài kia đang phải chật vật chiến đấu với dịch bệnh hay lo lắng cho sự an toàn hay nguồn lương thực cho gia đình họ.

Vì vậy, hãy cổ vũ và bày tỏ lòng tri ân, sự biết ơn tới những y, bác sĩ, những người tình nguyện trên tuyến đầu, những người đang phải làm việc dưới cái nóng điên cuồng của mùa hè (nhất là miền Bắc và miền Trung) trong lúc này. Hãy động viên và chia sẻ, đừng kì thị với người mắc dương tính hay những F1, F2, F3 đang bị liên đới.

Và hãy đóng góp một chút vật chất, trong khả năng có thể cho các tổ chức từ thiện hay QUỸ VẮC-XIN PHÒNG COVID-19 của Chính phủ.

Trong tập phim nói trên, một chuyên gia tâm lý nói rằng: “Sức mạnh của sự cho đi không chỉ tạo cảm giác tích cực, nó còn thực sự tốt cho chúng ta. Cùng nhau vượt qua đại dịch này, có thể làm cho thế giới trở nên thân ái hơn.”

Phần kết của tập phim này cho biết: “Trong đại dịch SARS năm 2003, Hongkong là thành phố gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Và khi tiến hành một đợt khảo sát trong dân chúng sau khi dịch bệnh kết thúc, kết quả cho biết người Hongkong quan tâm đến cảm xúc của người thân nhiều hơn trước. Họ cũng quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn trước”.

Đây là lúc mà chúng ta nên “xích lại gần nhau” về mặt tinh thần, trong khi phải tuân thủ giãn cách về mặt xã hội!

Và đoạn cuối cùng, rút từ trong bài viết có tên là Ta làm gì khi ta không thể làm gì? đã đăng trên facebook khá lâu và đang tuyển lại cho tập bản thảo của một cuốn tạp bút mà tôi mà tôi đang dự định in cuối năm nay:

“Trước những vấn đề lớn kiểu thiên tai địch họa trên trời giáng xuống, ta mới nhận thấy sinh mệnh con người nhỏ bé đến nhường nào. Và vì nhỏ bé, nên cũng chẳng ra sức chống đỡ hoặc hoảng sợ làm gì. Ai ở đâu cứ ngồi yên đó, an nhiên tự tại, được ngắm mặt trời lên mỗi sáng và lặn mỗi chiều buông là hạnh phúc rồi.

Hạnh phúc luôn ở trong ta chứ hiếm khi ở ngoài ta. Cụ Ozu cũng đã nói thế rồi.”

Nhà báo Lê Hồng Lâm

To Top