Trung tướng Phạm Hồng Cư – Cộng tác viên đặc biệt của Báo Quân đội nhân dân

Tham gia cách mạng từ những ngày đầu, từng kinh qua nhiều vị trí trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, có thể được coi là 'pho sử sống' về các thời kỳ trong thế kỷ 20 của đất nước Việt Nam.

Như một cơ duyên, vị tướng già gắn bó với Báo Quân đội nhân dân (QĐND) qua nhiều bài viết không chỉ về cuộc đời binh nghiệp, mà còn là những lời gan ruột trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sâu sắc những giá trị cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ hiện tại và trong tương lai...

Vị tướng của đời thường

Không khó để tìm thấy những bài viết về Trung tướng Phạm Hồng Cư trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Qua những trang viết và những chia sẻ trên Báo QĐND, Trung tướng Phạm Hồng Cư hiện ra nhưng một con người bình dị, đồng hành với những thăng trầm của đất nước. Trong bài viết “Ba người anh trong "Màu tím hoa sim" đăng trên ấn phẩm Báo QĐND Cuối tuần ngày 26-7-2019, vị tướng già đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về cuộc đời mình. Câu chuyện mộc mạc trong bài viết đã kể về những khó khăn, gian khổ trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng chứng những điều đó càng làm nổi bật lên sự cương nghị, nỗ lực vượt qua khó khăn của đồng chí Phạm Hồng Cư. Những khó khăn trong cuộc sống các nhân, gia đình chính là động lực để ông sống, chiến đấu vì lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ phải sang) và Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ hai, từ phải sang). Ảnh tư liệu

Những kỷ niệm đáng nhớ do Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ về việc ông và người anh trai cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và từng hẹn nhau sẽ tương ngộ sau khi ca khúc khải hoàn hay việc ông biết tin em gái ruột Lê Đỗ Thị Ninh qua đời trước khi biết tin em gái đã kết hôn chính là những điều rất đời thường, làm nên sự mộc mạc của vị tướng già này.

Sự giản dị, đời thường của Trung tướng Phạm Hồng Cư còn được thể hiện qua bài viết “Ông bố vợ đặc biệt” đăng trên ấn phẩm Báo QĐND Cuối tuần ngày 30-8-2019. Trong bài viết, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã chia sẻ những kỷ niệm của bản thân với gia đình bên vợ là vợ chồng GS Đặng Thai Mai và các con. Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ, đối với ông, GS Đặng Thai Mai không chỉ là bố vợ, mà còn là người thầy lớn trong cuộc đời. Chính GS Đặng Thai Mai đã giúp Trung tướng Phạm Hồng Cư được tiếp cận với quan điểm và phương pháp luận Mác-xít và tạo động lực lớn để ông theo cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ.

Hình ảnh của Trung tướng Phạm Hồng Cư càng trở nên dân dã qua bữa cơm với gia đình bên vợ. Mọi người trong gia đình GS Đặng Thai Mai đều rất quý mến cậu con rể tương lai khi đánh chén hết nồi cơm và 5-6 đĩa rau nhút vì đó là điều thông thường của người lính chiến xa nhà lâu năm, thèm cơm nóng sốt, rau xanh, dưa muối...

Tấm gương, cốt cách của người “Bộ đội Cụ Hồ”

Bên cạnh những hình ảnh dung dị, đời thường, Trung tướng Phạm Hồng Cư qua các trang viết trên các ấn phẩm của Báo QĐND còn hiện lên là người chiến sĩ can trường, hết trong trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sâu sắc những giá trị cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Điều này được thể hiện rõ qua bài viết “Chiến thắng Bình Ca” trên ấn phẩm nguyệt san Sự kiện và nhân chứng ngày 24-10-2017. Chiến thắng Bình Ca (năm 1947) là một trong 3 chiến thắng đầu tiên, có tác dụng cổ vũ quân và dân Việt Bắc thi đua giết giặc lập công. Trung tướng Phạm Hồng Cư thời điểm đó giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 42 (Tiểu đoàn Bình Ca) vinh dự có mặt trong thời điểm lịch sử đó và chia sẻ những kỷ niệm của mình với Báo QĐND.

Chiến thắng Bình Ca chỉ là một dấu mốc trong cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Phạm Hồng Cư. Vị tướng già còn có mặt trong nhiều chiến dịch quân sự quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Một trong những dấu ấn như vậy là việc ông được Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ là phái viên của Tổng cục Chính trị tại Mặt trận Huế-Đà Nẵng (năm 1975). Câu chuyện đặc biệt này đã được Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại trong bài viết “Phái viên Tổng cục Chính trị trong chiến dịch” đăng trên ấn phẩm Báo QĐND ngày 14-4-2015.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng Điện ảnh Quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Phát thanh Quân đội, Phòng Thông tấn-Báo chí theo sát các đơn vị chiến đấu nhanh chóng vào chiến trường tác nghiệp. Chuyến hành quân “thần tốc” cùng các đơn vị chủ lực tiến vào giải phóng miền Nam vào tháng 4-1975 là kỷ niệm không bao giờ quên trong đời binh nghiệp của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Không chỉ cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, kể cả khi đã nghỉ hưu, Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn không có nhiều thời gian ngơi nghỉ. Đâu cũng mời ông đi. Việc gì cũng hỏi đến ông. Phóng viên báo chí thường tìm đến ông như một cứu cánh khi hỏi về các sự kiện lịch sử. Ngay cả thủ trưởng cấp cao lớp kế cận trong mỗi công việc cần biết rõ thêm điều gì đều hỏi ông, cần ông thẩm định và cho ý kiến. Đối với Báo QĐND, Trung tướng Phạm Hồng Cư từng có ý kiến sâu sắc trong buổi tọa đàm “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức ngày 18-1-2018.

Và còn rất nhiều ví dụ khác về sự cống hiến của Trung tướng Phạm Hồng Cư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Ông có thể coi là một trong những hình tượng tiêu biểu không chỉ là con người trí tuệ vững bền, luôn biết đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên tất cả, mà còn là sự khiêm tốn, sức lao động bền bỉ và kiên cường với thời gian...

TUẤN SƠN

To Top