Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội: Đảm bảo hài hòa nhiều yếu tố

Bắt nhịp xu thế thời đại, nâng cao chất lượng, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP … là mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 'Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Động lực quan trọng

Thời gian qua, Hà Nội đã chủ trương ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng; phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng... Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Bên cạnh đó, Hà Nội không ngừng tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo, cũng như phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng. Cùng với đó là sự phát triển chủ động, mạnh mẽ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng của các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các doanh nghiệp.

Hà Nội sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa

Mặc dù vậy, Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho hay, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố cũng gặp không ít thách thức như: Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; quá trình đô thị hóa nhanh; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới...

Trước thực trạng đó, ngày 9/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU triển khai nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết ra đời thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, coi công nghiệp văn hóa là một động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.

Tạo môi trường phát triển thuận lợi

Tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” mới đây, ông Lê Quốc Vinh - Tổng giám đốc Le Group of Companies - cho rằng, đã 2 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo”, nhưng ngay cả “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng. Đồng quan điểm, nhạc sỹ Quốc Trung - Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival)- cũng cho rằng, khái niệm cũng như định hướng về hai nền công nghiệp này còn đang rất mơ hồ.

Không gian nghệ thuật tại phố đi bộ Hồ Gươm

Với thực tế hiện nay, nhạc sỹ Quốc Trung - đánh giá, Hà Nội còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước, đồng thời thiếu những không gian văn hóa. Không gian văn hóa không chỉ đơn thuần là về mặt cảnh quan kiến trúc mà còn mang những nội dung, hoạt động mang lại một không gian mà người dân thành phố coi đó là của mình, do mình tạo nên - nơi mà họ mang đầy sự tự hào mỗi khi nhắc tới.

Ở góc độ quản lý ngành điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - Tiến sĩ Ngô Phương Lan - cho hay, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với phát triển thị trường văn hóa. Hà Nội còn thiếu những nhà sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp. Nhìn từ góc độ truyền thông, nhà báo Phùng Công Sưởng lại cho rằng, văn hóa cần được quảng bá, tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao nhận thức, “định vị” rõ hơn vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển chung của Thủ đô.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Hà Nội cần xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, có chiến lược xây dựng cụ thể cho từng giai đoạn. Định vị là một thành phố thiết kế sáng tạo cần hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt, tính phù hợp và triết lý riêng của thương hiệu, tuy nhiên đối với Hà Nội còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, cá tính của vùng đất ngàn năm văn hiến, sự tương thích với con đường chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Từ thực thế hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đã thống nhất về mặt nhận thức, về tầm quan trọng việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, bắt nhịp với dòng chảy hội nhập quốc tế. Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp... “Tuy nhiên, đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế thành phố đã xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn cụ thể, tạo bước đột phá trong văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mơ”- ông Phong nhấn mạnh.

Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội và hiệu quả kinh tế góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Hoa Quỳnh

To Top