Chạnh lòng phim sử Việt

Nhiều năm qua, mảng phim lịch sử vẫn luôn là khoảng trống không thể lấp đầy. Nhiều dự án đã được lên kế hoạch, nhưng để hiện thực hóa, thời gian có thể là 5, 10 năm, thậm chí lâu hơn.

Phim Đêm hội Long Trì (đạo diễn Hải Ninh) nức lòng khán giả

Bộ phim hành động Hàn Quốc Thủy chiến đảo Hansan: Rồng trỗi dậy vừa ra mắt đã làm choáng ngợp và mãn nhãn khán giả, đặc biệt là trận đại chiến trên biển kéo dài 51 phút. Tại Hàn Quốc, phim thu về hơn 51 triệu USD. Xem xong bộ phim này, không ít khán giả có chung câu hỏi: Bao giờ Việt Nam làm được bộ phim như vậy về trận đại chiến Bạch Đằng?

Mặc dù những năm gần đây, thể loại phim Việt đã khá đa dạng. Tuy nhiên, lịch sử, cổ trang vẫn là những thể loại đầy thách thức. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có 2 dự án phim chiếu rạp ra mắt gồm: Khát vọng Thăng Long và Tây Sơn hào kiệt cùng một số bộ phim truyền hình.

Năm 2012, đạo diễn Victor Vũ cho ra mắt Thiên mệnh anh hùng. Từ đó đến nay, thể loại này chủ yếu là dòng phim chiến tranh cách mạng, hầu như không gây tiếng vang. Riêng với trận chiến Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử, năm 2018, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam thực hiện bộ phim dài hơn 10 phút mang tên Chiến thắng Bạch Đằng. Trước đó vào năm 2012, nhóm sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) thực hiện bộ phim hoạt hình Đại chiến Bạch Đằng dài hơn 6 phút cũng nhận được nhiều sự chú ý.

Với các dự án dã sử, cổ trang đang được lên kế hoạch sản xuất có Trưng Vương của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, hay Quỳnh hoa nhất dạ của đạo diễn Lý Minh Thắng. Cả hai đều đã khởi động cách đây 2-3 năm, nhưng hiện vẫn trong giai đoạn tìm kiếm diễn viên, hoàn thiện kịch bản.
Có quá nhiều thách thức đối với các nhà làm phim lịch sử. Bài toán kinh phí là yếu tố đầu tiên, bởi để có thể thực hiện cần số tiền gấp nhiều lần so với các thể loại phim khác. Việc tìm kiếm tư liệu, xây dựng kịch bản cũng là thách thức không nhỏ. Chưa kể, bài toán về bối cảnh khi chúng ta chưa có phim trường đặc thù cùng những khó khăn về phục trang, kỹ xảo hậu kỳ… Đặc biệt, các nhà làm phim Việt cũng chịu áp lực rất lớn từ phía khán giả ngay từ khi dự án khởi động. Đã có không ít so sánh, chê bai, thậm chí là bài xích khi một số dự án giới thiệu những hình ảnh đầu tiên.

Cách đây hơn 30 năm, điện ảnh Việt từng có Đêm hội Long Trì (đạo diễn Hải Ninh) nức lòng khán giả. Nhưng đây là tác phẩm được sản xuất bằng kinh phí Nhà nước. Nhiều năm qua, đã có những ý kiến, phim do Nhà nước đặt hàng nên chăng cần tập trung khai thác nhiều hơn ở dòng phim lịch sử. Rõ ràng, cần có chiến lược và sự bắt tay hiệu quả giữa tư nhân và Nhà nước trong thực hiện những bộ phim lịch sử. Đó vừa là cách giảm gánh nặng về kinh phí đầu tư và quan trọng hơn, cho thấy sự chung sức, đồng lòng để khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

HẢI DUY

To Top