Đâu là giá trị của một bộ phim?...

Giá trị một bộ phim mang lại, không chỉ là giá trị chuyên môn (theo nghĩa sáng tạo điện ảnh) mà còn có nhiều giá trị khác, như tính giải trí, yếu tố giáo dục,...

Hiện tượng phòng vé Việt thời gian gần đây thuộc về một tác phẩm của một đạo diễn Việt Nam, với sự thành công của một series phim có tựa đề chung là “Lật Mặt”. Đó là phim “Lật Mặt 7: Một điều ước”, với doanh thu hiện tại hơn 300 tỷ đồng, và doanh thu vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều gì đã làm nên thành công của bộ phim? Đâu là giá trị của một bộ phim?

Hẳn nhiên, chúng ta không thể đánh đồng giữa thành công về thương mại của một bộ phim với việc tác phẩm đó là một tác phẩm điện ảnh có giá trị. Bởi xét trên tiêu chuẩn giá trị điện ảnh (bộ phim có sáng tạo độc đáo về cách kể chuyện, nghệ thuật tự sự điện ảnh – kể chuyện bằng hình ảnh, cách quay phim – khung hình – thước phim, nội dung tư tưởng của bộ phim, âm nhạc trong phim, sự kết hợp giữa âm thanh – hình ảnh – ánh sáng tạo nên những thước phim đầy mê hoặc, sự kết nối của những phân đoạn đầy chất thẩm mỹ điện ảnh – những cảnh phim như những bức tranh – đầy chất mỹ thuật, nghệ thuật gần – xa – xoay chuyển trong cách chuyển đoạn – chuyển cảnh phim), tức là những giá trị về mặt chuyên môn.

Và cũng đương nhiên, chúng ta không thể lúc nào cũng dùng “quy chuẩn chuyên môn” để đánh giá một bộ phim, là có giá trị hay không. Bởi giá trị một bộ phim mang lại, không chỉ là giá trị chuyên môn (theo nghĩa sáng tạo điện ảnh) mà còn có nhiều giá trị khác, như tính giải trí, yếu tố giáo dục, tính đại chúng.

Ảnh minh họa

Ở đây, tác phẩm Lật Mặt 7: Một Điều Ước của đạo diễn ý Hải, theo góc nhìn của cá nhân tôi, thì yếu tố thiên về giải trí, giáo dục, đại chúng cao hơn là ở ngôn ngữ điện ảnh. Giống như thành công của những phần Lật Mặt trước đây, hay thành công của những bộ phim như Bố Già, Nhà Bà Nữ, Mai của đạo diện Trấn Thành.

Khi ta nói về giá trị của một bộ phim, ta phải đặt bộ phim đó ở trong một “phân luồng” nhất định. Bởi khi đặt một bộ phim vào “phân luồng” nào đó thì ta sẽ hạn chế những “điểm nhìn tiêu cực” nhất định về bộ phim đó.

Sự thành công của đạo diễn Lý Hải, và cả đạo diễn ấn Thành trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng điện ảnh Việt còn lâu mới bằng điện ảnh thế giới, hay đó là những bộ phim chẳng có gì để xem. Thậm chí, nhiều người còn suốt ngày chia sẻ những thông tin chê bai về những bộ phim đó trên mạng xã hội, trong khi chẳng bỏ ra chút thời gian để xem phim.

Nhìn một cách công tâm, chúng ta chưa thực sự công bằng trong việc đánh giá một bộ phim như vậy. Đặc biệt, những người không theo dõi điện ảnh kỹ, không tìm hiểu sâu về điện ảnh, lại hay “tát nước theo mưa”. Đó là một hành vi rất đáng trách!...

Làm sao chúng ta có thể so sánh những bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải, hay bất cứ đạo diễn Việt Nam nào, được sản xuất trong nước, kinh phí vài triệu đô la, với những bộ phim được đầu tư hàng trăm triệu đô của phim - điện ảnh quốc tế? Làm sao chúng ta có thể so sánh một bộ phim mang tính giải trí – thương mại với một bộ phim thiên về nghệ thuật?

Chúng ta không thể so sánh phim của Lý Hải, Trấn Thành với phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Tro Tàn Rực Rỡ, Sống Trong Sợ Hãi) hay đạo diễn Lương Đình Dũng (Cha Cõng Con, Thành Phố Ngủ Gật), hoặc như phim của đạo diễn ần Anh Hùng (Muôn Vị Nhân Gian, Mùi Đu Đủ Xanh). Mọi sự so sánh là khập khiễng.

Mỗi người nghệ sĩ chọn lựa một con đường đi riêng, và giá trị một bộ phim mang lại cũng dựa vào con đường mà họ chọn đi đó. Như phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, đoạt những giải thưởng lớn của quốc tế, nhưng phim ông không thuộc về nhóm phim có doanh thu cao (hoặc phim có lãi). Tuy vậy, giá trị mà ông mang lại cho điện ảnh, cho người xem (người biết thưởng thức điện ảnh) thì thật lớn!

Tôi từng đến rạp xem phim, có bộ phim được đầu tư lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng trong rạp không có mấy người, như phim Con Hẻm Ác Mộng (Nightmare Alley) của đạo diễn Guillermo Del Toro. Bộ phim dài tầm 150 phút, với nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, tôi xem đi xem lại tới ba lần vẫn thấy hay.

Nhìn trên bình diện quốc tế, có nhiều bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao (thậm chí đoạt giải thưởng điện ảnh lớn) nhưng lại thất bại về doanh thu phòng vé, hoặc ngược lại, phim có doanh thu cao nhưng bị giới chuyên môn chê hết lời, không phải là chuyện hiếm. Mà đôi khi, nó là điều hiển nhiên.

Những bộ phim thành công cả về thương mại và nghệ thuật như phim Joker của đạo diễn Phillips, hay phim Ký Sinh Trùng của đạo diễn Bong Joon-ho, thường không nhiều.

Quay lại câu chuyện về sự thành công của bộ phim Lật Mặt 7: Một Điều Ước, ta phải thừa nhận rằng phim thành công khi kể một câu chuyện nhẹ nhàng, dễ tiếp cận tâm lý đại chúng, gợi lên những vấn đề mang tính thời cuộc, và rất nhân văn. Mặc dù, câu chuyện không có sự gì mới, nhưng đạo diễn Lý Hải đã khéo léo đưa người xem đi qua những tầng cảm xúc, gợi lên những suy cảm gần gũi, nên dễ đồng cảm.

Và với một bộ phim thuộc dòng (phân luồng) giải trí (tôi vẫn xếp phim của đạo diễn Trấn Thành và đạo diễn Lý Hải vào dòng phim thương mại), thì đây là một bộ phim rất đáng xem. Phim đề cao những giá trị gia đình, điều mà xã hội Việt Nam đang dần dần bị đánh mất!...

Giá trị một bộ phim mang lại, như phim Lật Mặt 7: Một Điều Ước, là sự thức nhận về tình yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Đặc biệt là với người mẹ của mình. Chỉ cần bấy nhiêu thôi, đã đủ!...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hà Hương Sơn

To Top