Dòng tiền và cách ăn chia ở Hollywood khác gì điện ảnh Việt

Tại Hollywood, việc huy động vốn diễn ra khá đa dạng, giúp các nhà làm phim hoàn thành dự án mà không bị phụ thuộc vào nguồn tài chính duy nhất.

Huy động vốn, tìm kiếm nhà đầu tư là khâu thiết yếu trong quá trình sản xuất bất kỳ dự án điện ảnh nào. Bởi, nó là công cụ giúp các nhà làm phim có được nguồn tài chính cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng của họ.

Rót tiền vào một dự án phim nghe có vẻ hào nhoáng nhưng thực tế đầy rủi ro. Tìm kiếm kịch bản tiềm năng, quản lý chi phí hay lựa chọn nhà phân phối phù hợp chỉ là số ít khó khăn có thể gặp phải trong quá trình triển khai dự án.

Một tác phẩm thành công tại phòng vé giúp mang về khoản lời cho đơn vị sản xuất và các nhà đầu tư. Song ngược lại, nếu thất bại, nó gây ra tổn thất tài chính không hề nhỏ.

Công thức gọi vốn chung

Tại Hollywood, việc huy động vốn diễn ra khá đa dạng, giúp các nhà làm phim hoàn thành dự án của mình mà không bị phụ thuộc vào nguồn tài chính duy nhất.

Theo FilmDaily, có một chuỗi các giai đoạn huy động vốn chung mà nhiều dự án phim phải trải qua, bao gồm: “Huy động vốn phát triển”, “Huy động vốn tiền sản xuất”, “Huy động vốn sản xuất”, “Huy động vốn hậu sản xuất” và “Huy động vốn hậu kỳ”.

Ở giai đoạn đầu tiên, nhà làm phim cần nguồn tài trợ để phát triển ý tưởng ban đầu, viết kịch bản... Họ có thể gây quỹ từ các tư nhân, khoản đầu tư nhỏ hoặc các khoản trợ cấp phát triển.

Với giai đoạn tiền sản xuất, việc huy động vốn nhằm lập kế hoạch, tuyển diễn viên, thuê đoàn làm phim, tìm kiếm địa điểm và lập kế hoạch quay chi tiết. Giai đoạn này thường đòi hỏi khoản tiền lớn hơn so với giai đoạn đầu tiên. Nguồn vốn có thể đến từ các nhà đầu tư, công ty sản xuất hoặc các hoạt động tiền bán hàng (pre-sales).

Nguồn vốn của các dự án bom tấn chủ yếu tới từ hãng phim lớn. Ảnh: Screen Rant.

Phần lớn ngân sách của một bộ phim thường được sử dụng trong giai đoạn sản xuất, giúp trang trải chi phí ghi hình, lương ê-kíp, thuê thiết bị, xây dựng bối cảnh... Số tiền này đến từ nguồn tài chính của studio, nhà đầu tư cổ phần, khoản vay ngân hàng hoặc cũng có thể là khoản trợ cấp chính phủ...

Ở giai đoạn hậu sản xuất (bao gồm chỉnh sửa, thiết kế hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, nhạc nền và các bước hoàn thiện khác), nguồn vốn có thể đến từ ngân sách sản xuất ban đầu hoặc các nguồn bổ sung như tài trợ hậu sản xuất, khoảng trống tài trợ (gap funding) hoặc khoản đầu tư từ các công ty phân phối.

Cuối cùng, ở khâu phân phối và tiếp thị, các nhà phân phối có thể cung cấp những khoản tạm ứng. Hoặc đôi khi, nhà làm phim sẽ chủ động tìm kiếm thêm nhà đầu tư, các khoản vay hoặc trợ cấp khác.

Khi phim bắt đầu có doanh thu, khoản tiền này trước tiên thường được sử dụng để trả những khoản nợ và các nhà đầu tư. Tùy thuộc vào hợp đồng, thỏa thuận ban đầu, lợi nhuận sau đó sẽ được ăn chia giữa các bên liên quan, bao gồm nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên và các nhà đầu tư khác. ROI (lợi tức đầu tư, được tính bằng công thức lợi nhuận/chi phí đầu tư) có thể dao động từ mức 10% - 50%.

Trong trường hợp phim thua lỗ, các nhà đầu tư và đối tác sản xuất phải chấp nhận mất vốn. Tuy nhiên, họ thường cố gắng giảm thiểu rủi ro này thông qua các hợp đồng và thỏa thuận chia sẻ.

Các nguồn đầu tư đặc biệt

Đây chỉ là công thức chung. Những dự án phim lớn, đặc biệt là bom tấn thường sẽ có ngoại lệ. Nguồn vốn của chúng chủ yếu tới từ hãng phim lớn. Những gã khổng lồ này đủ khả năng tài chính để phục vụ hầu hết công đoạn trong quá trình làm phim. Sau đó, hãng phim có thể bán bản quyền cho các nhà phân phối hoặc thu lợi từ các thỏa thuận cấp phép phân phối.

Avatar có thể mang về khoản lời 540 triệu USD cho 20th Century Fox. Ảnh: 20th Century Fox.

Một ví dụ điển hình là Avatar (2009) do James Cameron đạo diễn. Đây là một trong những bộ phim thành công nhất về mặt thương mại, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất và các nhà đầu tư. Cụ thể, 60% ngân sách Avatar tới từ 20th Century Fox, hãng phim sản xuất chính và phân phối tác phẩm này. Số vốn còn lại tới từ các quỹ và công ty tư nhân, trong đó có Lightstorm Entertainment - công ty của James Cameron.

Với doanh thu 2,9 tỷ USD, đứa con tinh thần của Cameron là phim ăn khách nhất lịch sử. Chi phí sản xuất theo tiết lộ là 237 triệu USD, trong khi tổng chi phí marketing vào khoảng 150 triệu USD. Với việc trung bình 55-60% doanh thu phim phải chia cho các cụm rạp, Avatar theo ước tính mang về khoản lợi nhuận 900 triệu USD.

20th Century Fox với mức vốn góp 60% có thể nhận được 540 triệu USD. Trong khi các quỹ đầu tư tư nhân chia nhau số tiền còn lại. Theo ước tính, Cameron vừa là đạo diễn, vừa góp vốn trong quá trình sản xuất nên có thể dắt túi khoản tiền lên đến 350 triệu USD, theo Deadline.

Một ví dụ khác là Pacific Rim (2013) của đạo diễn Guillermo del Toro. Dự án được đầu tư bởi Legendary Pictures (75%) và Warner Bros. (15%) - hai trong số hãng phim lớn nhất ở Hollywood. Ngoài ra, Pacific Rim còn có thêm nguồn vốn từ các quỹ tư nhân (khoảng hơn 10%).

Kết thúc hành trình tại phòng vé, Pacific Rim thu về 411 triệu USD toàn cầu. Ngoài ra, phim dắt túi thêm 60 triệu USD từ bán và cho thuê DVD/Blu-ray, các nền tảng phát trực tuyến... Tuy nhiên, với kinh phí sản xuất 190 triệu USD và phí marketing 100 triệu USD, sau khi ăn chia với rạp, nhà sản xuất ước tính chịu lỗ gần 50 triệu USD.

Đồng nghĩa, Legendary Pictures phải gánh chịu khoản thiệt hại 37,5 triệu USD (75%) và Warner Bros. chịu lỗ 7,5 triệu USD (15%).

Còn với dự án nhỏ như Wish I Was Here, đạo diễn Zach Braff đã sử dụng nền tảng gây quỹ cộng đồng Kickstarter để kêu gọi vốn. Chiến dịch của ông thành công huy động khoảng 3 triệu USD (chiếm 50% ngân sách) từ hơn 46.000 người ủng hộ. Bên cạnh đó, dự án thu hút một số đơn vị tư nhân.

Doanh thu phòng vé toàn cầu của Wish I Was Here vào khoảng 5,5 triệu USD. Trong trường hợp này, những cá nhân góp vốn trên nền tảng Kickstarter không được ăn chia phần trăm lợi nhuận, mà thay vào đó nhận quà kỷ niệm từ nhà sản xuất, hoặc có cơ hội gặp gỡ đoàn làm phim tùy theo mức góp tiền. Trong khi đó, những đơn vị tư nhân nhận một phần lợi nhuận dựa trên thỏa thuận đầu tư ban đầu (thông thường vào khoảng 20-30% với các phim độc lập).

Không có các "ông lớn" chống lưng, nhà làm phim độc lập phải huy động vốn từ những nhà đầu tư tư nhân, Pre-sales hay các khoản trợ cấp của chính phủ... Ảnh: Focus Features.

Bên cạnh các hãng phim, nhà đầu tư tư nhân và gây quỹ cộng đồng (crowfunding), các nhà làm phim còn có thể huy động vốn từ một số nguồn khác như Pre-sales - chiến lược bán trước quyền phát hành phim cho các nhà phân phối ở nhiều thị trường khác nhau, giúp gia tăng vốn và giảm thiểu rủi ro tài chính. Bộ phim Skyfall (2012) từng huy động vốn bằng hình thức này, giúp đảm bảo một phần không nhỏ kinh phí sản xuất.

Ngoài ra, nhà làm phim có thể xin tài trợ từ thương hiệu. Đổi lại, sản phẩm của thương hiệu đó xuất hiện trong tác phẩm. Bên cạnh đó, đoàn phim có thể hưởng lợi từ những khoản trợ cấp chính phủ trong và ngoài nước. Nhiều quốc gia như Canada, Anh hay New Zealand có chính sách đặt biệt hỗ trợ các nhà sản xuất phim quốc tế.

Cuối cùng, hợp tác quốc tế cũng có thể là con đường giúp nhà làm phim gia tăng vốn. Việc bắt tay với công ty sản xuất ở các quốc gia khác không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn mở ra cơ hội tiếp cận nguồn tài trợ từ nước bạn. The Grand Budapest Hotel (2014) là ví dụ điển hình, với sự tham gia của các nhà sản xuất từ 3 quốc gia bao gồm Đức, Anh và Mỹ.

Hoàng Nhi

To Top