Bạo lực gia đình để lại vết thương lòng khó phai

'Bây giờ, dù đã 40 tuổi nhưng trong những cơn mơ, tôi vẫn ú ớ, lá ré vì thấy mẹ tôi đang dồn đánh, đuổi đánh chạy khắp làng. Những dấu lằn roi của tuổi thơ quá lớn, ám ảnh đến tận bây giờ. Gia đình là nơi trú ngụ bình yên nhưng bản thân tôi không có được điều đó…'

Thí sinh tham gia phần thi thuyết trình.

"Thấy mẹ đã nằm ngủ, bếp núc lạnh tanh, tôi không thấy cơm canh đâu cả, tôi lại hỏi thì mẹ bảo "tau nấu cơm tau ăn xong rồi, còn bao nhiêu đổ. Mày ăn phí cơm lắm". Hay một bữa trời mưa tháng 10, tôi đi học về và thấy xe đạp của mẹ trong một quán bún. Tôi chạy vào thì được mẹ mua cho một tô bún. Cảm giác của một đứa trẻ nhà quê lần đầu tiên được ăn quán, được thưởng thức một tô bún nóng hổi, thực sự rất hạnh phúc và không có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác đó. Vị ngon tô bún theo tôi suốt trên đường về nhà. Nhưng khi về tới nhà, mẹ xối xả chửi tôi "mày không xứng đáng được ăn tô bún đó, lần sau thấy tau ở đó thì đừng có vào". Cảm giác của tôi lúc đó như muốn ói hết tô bún kia ra, không còn ngon lành gì nữa…

Thí sinh Lê Thị Bích Hà thuyết trình bài viết của mình.

Thời gian qua, những vết thương trên cơ thể đã lành nhưng tổn thương trong tâm hồn còn mãi. Bây giờ, dù đã 40 tuổi nhưng trong những cơn mơ, tôi vẫn ú ớ, lá ré vì thấy mẹ tôi đang dồn đánh, đuổi đánh chạy khắp làng. Những dấu lằn roi của tuổi thơ quá lớn, ám ảnh đến tận bây giờ. Mỗi người đều có thể hơn nhau về vật chất, nhưng về tinh thần, mỗi người đều là tỉ phú riêng về tình yêu thương. Gia đình là nơi trú ngụ bình yên nhưng bản thân tôi không có được điều đó…".

Đó không chỉ nội dung thuyết trình mà còn là câu chuyện thực về tuổi thơ nhiều đòn roi của chị Lê Thị Bích Hà (Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 - Lực lượng thanh niên xung phong ). Chị là 1 trong số 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi viết và thuyết trình chủ đề "Gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình" năm 2024, do Ban Chỉ đạo công tác gia đình - thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức.

Chị Hà chia sẻ: "Tôi mong muốn rằng, chúng ta hãy yêu thương con trẻ của mình, đừng bạo lực với trẻ em. Bởi vì, những tổn thương về thân thể thì sau này lớn lên có thể lành, nhưng mà tổn thương trong tâm hồn thì suốt đời không lành được. Có những đứa trẻ bị bạo hành nhưng đủ mạnh mẽ thì vực dậy được; nhưng có những đứa trẻ không vực dậy được, lại sa ngã, lớn lên lại bạo lực với người khác, điều này rất nguy hiểm. Cho nên gia đình là tế bào, là nguồn gốc để nuôi dưỡng những tâm hồn, chúng ta phải cố gắng yêu thương nhau hết mức có thể".

Vòng chung kết cuộc thi viết và thuyết trình chủ đề “Gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2024.

Cũng là thí sinh lọt vào vòng chung kết để thuyết trình, chị Dương Đỗ Thục Quyên (Bệnh Viện An Bình, TPHCM) đã mang đến cho người nghe nội dung "Bạo lực trong gia đình trí thức - nỗi đau sau vỏ bọc hạnh phúc". Chị Quyên cho biết: "Những gia đình buôn gánh bán bưng nếu như có bạo lực rất dễ nhận biết, biểu hiện thẳng ra bên ngoài bằng hành động. Còn bạo lực trong gia đình tri thức là bạo lực không chảy máu, nó âm ỉ và phức tạp, chủ yếu về mặt tinh thần. Nếu người trong cuộc không lên tiếng thì không ai biết để hỗ trợ. Qua đây, tôi đề ra một số giải pháp như: Người trong cuộc không được im lặng, phải lên tiếng; không nên quá lệ thuộc vào đối phương nhất là về kinh tế; cần triển khai nhiều hình thức tư vấn về áp luật với nhiều hình thức hấp dẫn hơn; mỗi người phải hướng đến giá trị sống tốt đẹp".

BTC trao giải cho các tác giả tại cuộc thi viết và thuyết trình chủ đề “Gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2024.

Anh Hoàng Văn Nguyên (Bệnh viện Nhân Ái, Sở Y tế TPHCM) chia sẻ: "Tôi là một khán giả đi cổ vũ cho đồng nghiệp tham gia dự thi tại vòng chung kết. Khi nghe những bài thuyết trình, tôi học được rất nhiều điều về giá trị của 2 chữ gia đình cũng như vấn đề bạo lực trong gia đình. Tôi công nhận rằng, cuộc sống gia đình cũng có lúc "cơm không lành canh không ngọt", nhưng không nên giải quyết bằng bạo lực, chúng ta nên loại bỏ bạo lực khỏi gia đình".

Theo ông Trần Thanh Vương - Trưởng Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở Văn hóa và ể thao TPHCM: "Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn gửi đến người dân của thành phố một thông điệp mạnh mẽ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đây không những là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà đó là trách nhiệm của từng cá nhân, của mỗi người dân, cùng hướng đến xây dựng gia đình ấm no và hạnh phúc. TPHCM đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn với 5 tiêu chí. Trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc thì công tác phòng, chống bạo lực gia đình là một yếu tố hết sức quan trọng, khi mà gia đình không có bạo lực, gia đình hòa thuận, êm ấm thì mới hướng đến thực hiện tốt các tiêu chí còn lại".

Phạm Thương

To Top