Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm, văn hóa tỏa sáng

Các đại biểu nhìn nhận khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa của cả nước.

Hôm qua, 28-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), với 462/470 đại biểu tán thành. Luật được QH thông qua gồm 7 chương, với 54 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1-7-2025, như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…

Thời khắc không bao giờ quên

Chia sẻ niềm vui này bên hành lang QH, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB à Nội, bày tỏ: “Có thể nói đây là thời khắc mà tất cả các ĐBQH đoàn Hà Nội cùng có cảm xúc không bao giờ quên”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB Hà Nội. Ảnh: NT

Theo bà Mai, Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng với Hà Nội. Cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã xin ý kiến QH, trình Thủ tướng phê duyệt sẽ tạo một khuôn khổ giá trị về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để Hà Nội triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

“Có thể khẳng định, trung tâm thụ hưởng các thành quả này chính là nhân dân của Thủ đô và nhân dân cả nước” – ĐB Mai nói và cho biết trọng trách trên vai các lãnh đạo TP tới đây cũng rất nặng nề, do vậy Hà Nội sẽ tập trung vào bốn nhóm vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm áp luật, các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền mà Trung ương, Thủ tướng đã trao cho Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội cũng sẽ phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan thẩm quyền của Trung ương, các bộ, ban ngành để làm sao khi Luật có hiệu lực thì có thể bắt tay ngay vào thực hiện.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và người dân TP hiểu rõ, hiểu đúng những điểm mới, điểm đột phá của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cùng chung tay đóng góp, thực hiện Luật thực sự hiệu quả.

Thứ tư, TP Hà Nội phải xây dựng và củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức để “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa đảm bảo năng lực, nâng cao trách nhiệm và gương mẫu trong triển khai Luật.

“Với những chính sách, cơ chế đột phá đó, chúng ta phải làm rất linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ mà Luật đã trao và với tinh thần cao nhất” – bà nói và khẳng định công việc sắp tới sẽ rất nhiều, do đó cần sự nỗ lực, đồng hành và trách nhiệm từ lãnh đạo TP đến các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ triển khai thực thi.

Sớm hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Ông cho biết hầu hết ở các quốc gia đều có luật dành riêng cho Thủ đô vì đây là trái tim của đất nước nên cần có những cơ chế hết sức đặc thù. Quan trọng hơn, Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, do vậy những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có quyết sách sớm, điều chỉnh ngay những bất hợp lý mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến Chính phủ.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM).

Đại biểu đoàn TP.HCM nhìn nhận các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện và bày tỏ sự quan tâm đến phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô. Theo ông, những phân cấp đó sẽ giúp Hà Nội giảm tắc nghẽn về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học…, giúp mở rộng không gian phát triển, giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

“Cần có hỗ trợ để hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô, mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm…” – ông nói thêm

Theo ông, TP Hà Nội có kế hoạch mở rộng năm không gian phát triển đô thị, ngoài đô thị trung tâm còn có bốn đô thị vệ tinh nên cần phải có kết nối hạ tầng.

“Muốn kết nối hạ tầng thì phải có nguồn lực, phải có phân cấp mới làm nhanh được. Luật Thủ đô sửa đổi đã đẩy mạnh phân cấp để giải quyết những vấn đề đang đặt ra của TP” – ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Dù vậy, ông cho rằng cùng với sự phát triển thì Hà Nội vẫn phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng vốn có của mình. “Tôi vẫn thích Thủ đô có “phố nhỏ, ngõ nhỏ”” – ông chia sẻ và cho rằng khu vực 36 phố phường chỉ cần chỉnh trang lại và phải giữ được hương hồn, phải giữ cho được vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa ngàn năm văn hiến.

Đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa”

Trong khi đó, ĐB Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội (đoàn TP Hà Nội), nhìn nhận Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Vấn đề cốt lõi của Luật là các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô xứng tầm trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của cả nước.

“Quan trọng nhất là phát huy được truyền thống Thủ đô văn hiến nghìn năm và Thủ đô văn minh, hiện đại” – ông Cừ nhấn mạnh.

ĐB Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội (đoàn TP Hà Nội).

Ông cũng cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính từ TP đến các quận, các phường, từ đó có cơ chế ủy quyền, phân cấp, giúp cấp ủy và chính quyền TP phát huy tiềm năng, lợi thế.

Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội đã được chứng minh một trong những trung tâm thu hút nhân tài, các nhà khoa học của cả nước. Do vậy, Luật sửa đổi lần này đã dành sự quan tâm đặc biệt, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.

“Tôi cho rằng Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm thu hút nhân tài, các nhà khoa học, với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới, sẽ giúp Hà Nội phát huy được tiềm năng, lợi thế và chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài” – vị ĐB nói và khẳng định Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát triển thời gian tới.

Mặt khác, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định đổi mới các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. “Việc đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội cũng là cơ sở để TP có môi trường, điều kiện thu hút các nhà đầu tư, các nhà khoa học góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô” - ông Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

NHÓM PV

To Top